[Bài viết] Công Dụng Và Món Ngon Bài Thuốc Từ Quả Trám

secpol

Moderator
Thành viên BQT
Tham gia
25/7/16
Bài viết
78
YHBS Point
8
Quả trám là một loại quả dùng làm thực phẩm và có tác dụng chữa bệnh tốt. Theo y học cổ truyền, quả trám có vị chua, ngọt, chát, tính ấm, vào kinh phế, có tác dụng thanh nhiệt, sinh tân chỉ khát, giải độc, lợi hầu họng, không độc.

cong-dung-va-mon-ngon-bai-thuoc-tu-qua-tram-1.jpg

Trám có nhiều loài khác nhau: trám trắng, trám đen, trám hồng. Quả trám còn gọi thanh quả hay cảm lãm (fructus canarii), được thu hái khi chín; có thể dùng tươi hoặc đem muối, sau đó phơi khô, hoặc sấy khô để chế các món ăn, có lợi cho hầu họng.

cong-dung-va-mon-ngon-bai-thuoc-tu-qua-tram-2.jpg

Theo y học cổ truyền, quả trám có vị chua, ngọt, chát, tính ấm, vào kinh phế, có tác dụng thanh nhiệt, sinh tân chỉ khát, giải độc, lợi hầu họng, không độc. Được dùng trị các bệnh về hầu họng sưng đau, ho nhiều đờm, viêm ruột, lỵ, tiêu chảy, khát nước. Quả xanh có tác dụng giải độc. Quả chín có tác dụng an thần, trị động kinh. Ngày dùng 6 – 12g, dưới dạng nhai nuốt nước, hoặc dạng nước sắc.

Một số cách trị bệnh từ quả trám:

1. Trị đau họng, sưng amidan, ho, miệng khô, khát nước

Quả trám rửa sạch, bỏ hạt, nấu với nước, nấu 2 – 3 lần, mỗi lần đun sôi 1 giờ, để lắng, gạn bỏ cặn, lọc qua vải xô, cô thành cao 2:1, thêm đường đủ ngọt, ngày uống 2-3 lần trước bữa ăn, mỗi lần 5-10ml. Có thể uống nhiều ngày liền cho đến khi hết các triệu chứng.

Hoặc dùng trám muối để ngậm hay pha nước uống. Có thể dùng trám tươi để hãm uống.

cong-dung-va-mon-ngon-bai-thuoc-tu-qua-tram-3.jpg

2. Trị lỵ

Quả trám tươi khoảng 90g, để nguyên hạt sắc với nước (2 – 3 lần), gộp dịch chiết, cô lại lấy cao, theo tỷ lệ 1:1, chia 3 lần uống trong ngày trước bữa ăn. Khi uống cần kiêng ăn các thứ tanh: cua, cá, lòng trắng trứng… Có thể uống nhiều ngày cho tới khi hết các triệu chứng.

3. Trị đau nhức xương khớp

Vỏ trám hồng, cạo bỏ lớp bần bên ngoài, thái nhỏ, sắc nước uống, ngày 10 – 12g, chia 3 lần sau bữa ăn. Có thể thay vỏ bằng lá trám.

4. Trị đau răng, sâu răng

Quả trám đốt thành than, tán bột mịn, trộn với một ít xạ hương, rồi bôi và xỉa vào chỗ răng đau. Hoặc lấy vỏ thân cây trám trắng cạo bỏ lớp vỏ đen bên ngoài, thái mỏng phơi khô, sắc lấy nước, ngậm 10 phút rồi nhổ đi. Ngày làm nhiều lần. Có thể phối hợp với rễ chanh, rễ cây trẩu hoặc rễ cà dại.

Chú ý: Người có thai tránh ngửi mùi xạ hương.

cong-dung-va-mon-ngon-bai-thuoc-tu-qua-tram-4.jpg

5. Trị lở sơn

Vỏ cây trám, cạo bỏ lớp bần, thái nhỏ, nấu nước tắm, ngày 2 lần.

6. Trị tràng nhạc (loa lịch):

Hạt trám, hạt gấc, vỏ quả mướp đắng, đốt thành than, tán bột mịn, trộn đều với dầu thực vật hoặc mỡ lợn, bôi vào chỗ đau.

7. Trị nứt nẻ kẽ ngón và gót chân khi trời rét

Hạt trám trắng đốt thành than, tán mịn, trộn đều với dầu thực vật, bôi vào chỗ đau.

cong-dung-va-mon-ngon-bai-thuoc-tu-qua-tram-5.jpg

8. Trị hóc xương cá

Quả trám trắng hoặc trám đen, nhai giập nuốt dần lấy nước; hoặc lấy 5 quả trám, sắc lấy nước, ngậm và nuốt dần. Hoặc chỉ lấy phần thịt quả trám, giã nát, ép lấy nước, uống dần. Hoặc lấy hạt quả trám, đốt tồn tính, rễ cây đậu ván trắng, thái nhỏ. Cả hai tán thành bột mịn, trộn đều, mỗi lần uống 4 – 6g. Tuy nhiên, cách làm này chỉ áp dụng với trường hợp bị hóc các xương cá nhỏ.

9. Về mùa đông, nếu đêm ngủ thấy khô cổ và ho, gây mất giấc: Dùng ngày 20-30 quả trám trắng (bỏ hột) đập dập nấu nước uống. Có thể thêm gừng, đường hay mật để uống.

cong-dung-va-mon-ngon-bai-thuoc-tu-qua-tram-6.jpg

10. Sốt cao, khô môi miệng, khát nước: Giã quả trám lấy nước uống hàng ngày.

11. Ho khản cổ: Trám tươi 4 quả bỏ hột, giã nát với huyền sâm 10g thái lát. Cho vào nồi đất đổ ngập nước, nấu uống. Có tác dụng tư âm, giáng hỏa, lợi yết hầu, thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng.

12. Ngộ độc cua cá (có sách ghi ngộ độc cá nóc): Trám trắng 30g sắc nước uống. Cách này cũng dùng cho trẻ em lên sởi và chữa bệnh hoại huyết.

13. Viêm tắc mạch máu: Quả trám trắng luộc ăn cái, uống nước hàng ngày, mỗi ngày 200g. Liệu trình 1-2 tháng.

14. Làm nước uống sinh tân dịch, chữa ho, thanh nhiệt giải thử, thích hợp cho người luôn cảm thấy miệng khô, hay khạc nước miếng, ôn bệnh nhiệt thịnh, phổi ráo: Trám tươi 5 quả bỏ hột, kim thạch hộc 5g, thái nhỏ, rễ lau 5g thái nhỏ. Mã thầy 5g gọt vỏ, lê gọt vỏ 2 quả, mạch đông 10g. Ngó sen 10 miếng. Tất cả nấu với 2 lít nước bằng lửa nhỏ 1 giờ. Ðể nguội lọc lấy nước uống hàng ngày.

cong-dung-va-mon-ngon-bai-thuoc-tu-qua-tram-7.jpg

15. Nước thanh nhiệt: Trám tươi 20g bỏ hạt, rễ lau tươi 4 chùm thái nhỏ. Nấu với 0,5 lít nước trong 1/2 giờ, lọc nước uống. Trám tươi có tác dụng thanh phế, lợi hầu, khử hỏa, hóa đàm. Rễ lau thanh can nhiệt, vị nhiệt, sinh tân dịch, khỏi ho. Nên uống nóng.

– Cao trám: Quả trám trắng bỏ hột, đập dập, đun nhỏ lửa 30 phút, cho đường phèn đun thành cao. Dùng chữa động kinh, pha uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 thìa con.

* Trám dùng làm thức ăn

1. Quả trám trắng có thể chế biến thành một số món sau:

– Làm mứt trám, có mùi vị đặc biệt.
– Ô mai trám (trộn bột gừng, cam thảo).
– Trám kho cá rô (hoặc cá khác): Bỏ hạt, đập dập, xếp từng lớp trám cách cá vào nồi đất, cho tương vào nấu lửa nhỏ đến khi chín nhừ.
– Trám muối: Luộc đổ nước chát, tách đôi bỏ hột, cho nước mắm ngon với ít đường ngập trám, để khoảng 5 ngày mới ăn (không dùng muối).

cong-dung-va-mon-ngon-bai-thuoc-tu-qua-tram-8.jpg

2. Trám đen chín om: Ðun nước sôi 700C, cho trám vào om đậy kín 20 phút vớt ra, để ráo, bổ dọc quả, bỏ hạt. Khi ăn chấm muối vừng hoặc nước thịt kho tàu, rất bùi.

3. Món ngũ vị: Cam 10g, Trám tươi 10g (bỏ hột), Ngó sen tươi 120g, Mã thầy 150g, gừng tươi 6g. Tất cả đều bỏ vỏ, bỏ hạt, giã nát cho vào vải sạch vắt lấy nước (hoặc ép). Ðây là món uống bảo kiện rất tốt; Tác dụng thanh tân, chỉ khát, giải nhiệt, thanh phế, lợi hậu, trị chứng hay nhổ nước bọt có khi có sợi máu, khó nuốt thức ăn, sưng họng, ho, buồn nôn. Ðây là phương thuốc gia giảm cổ phương “Ngũ tráp ẩm” của ngự y Triệu Văn Khôi dâng lên vua Quang Tự và đã được theo dõi kết quả sau 33 năm.

4. Canh thanh long bạch hổ: Bài thuốc của y gia Vương Mạnh Anh đời Thanh, Trung Quốc. Quả trám tươi (bỏ hột) 15g đập dập, củ cải sống 250g thái nhỏ. Dùng nồi đất ninh. Lấy nước uống thay trà (có thể ăn cái). Phòng chữa bệnh đường hô hấp trên như khi bị cảm cúm.

cong-dung-va-mon-ngon-bai-thuoc-tu-qua-tram-9.jpg

5. Trà trám: Trám 3 quả, bạng đại hải (đười ươi) 3 hạt, trà xanh 5g, mật ong 20g. Trám đập dập (không hạt) cho vào nồi đất đun 15 phút rồi rót vào cốc đã để sẵn bạng, trà, mật ong. Hãm 10-15 phút chờ nguội bớt. Uống thay trà, dùng điều trị viêm họng khô rát, khản cổ, ho khan.

6. Cá kho trám
Cá kho trám. Cá kho trám là món ăn phổ biến của nông thôn miền núi phía Bắc. Khi kho, vị chua của trám ngấm vào làm cá mềm nục có vị chua chua, còn có vị ngọt của tương, chất đạm của cá ngấm vào trám làm mất vị chát, giảm vị chua, miếng trám mang lại vị chua ngọt, béo bùi, ăn mãi không chán.

7. Trám dầm mắm ớt
Trám rửa sạch, dùng dao bổ trám làm 4, bỏ phần hạt, ngâm trám vào nước muối khoảng 30 phút để trám bớt chát và không bị thâm.

cong-dung-va-mon-ngon-bai-thuoc-tu-qua-tram-10.jpg

Ngâm trám với nước mắm, tỏi, ớt, đường, chờ ngấm gia vị là ăn luôn được. Trám non hơi chua chua chát chát, ăn xong thì có vị ngọt bùi đọng lại nơi đầu lưỡi.

8. Trám muối.

Đây là món ăn quen thuộc của đồng bào Tày Nghĩa Đô, Lào Cai. Món ăn này có thể dùng được trong tất cả các bữa ăn, kể cả bữa cỗ của người Tày. Trám muối khi ăn có vị chua nhẹ, giữ được mùi thơm, cùi trám dóc hạt nhưng vẫn có độ dai, giòn.

cong-dung-va-mon-ngon-bai-thuoc-tu-qua-tram-11.jpg

Khi ăn trám muối sẽ có cảm nhận về vị mặn của muối hòa với vị bùi bùi, chua chua và không thiếu vị ngọt nơi đầu lưỡi.

9. Trám nhồi thịt
Mùa trám mà không ăn trám nhồi thịt thì sẽ vô cùng đáng tiếc. Mùi trám nhồi thịt thơm sực mũi, ăn miếng trám thấy bùi, hương vị trám đậm đà.

cong-dung-va-mon-ngon-bai-thuoc-tu-qua-tram-12.jpg

10. Thịt kho trám
Nếm thử một miếng trám, mà như đang ăn một miếng thịt bởi vị ngọt của thịt đã hòa quyện trong vị chan chát, bùi bùi của trám mới thấy thật là uổng phí nếu chưa từng một lần trong đời nếm thử món ngon dân dã này. Cái vị thơm bùi ấy dường như càng nhai kĩ lại càng thấy ngon. Phần nước thịt kho trám các bạn dùng để chấm rau củ luộc, đặc biệt là rau muống cũng rất “tốn cơm” đấy.

Theo Sức khỏe & Đời sống và Tạp chí cây thuốc quý
 
Top