
Đặc biệt là, sự phát sinh bệnh tật theo mùa khác nhau, và cùng một bệnh thì biểu hiện nặng nhẹ theo mùa cũng khác nhau. Điều đó dẫn đến việc phòng bệnh theo mùa khác nhau, chữa trị cũng theo đó mà có sự vận dụng phù hợp. Vì vậy, con người phải nắm và thích ứng với quy luật thay đổi khí hậu bốn mùa để duy trì hoạt động sống, tăng khả năng phòng chữa bệnh. Mùa hạ tính từ tháng tư đến tháng sáu âm lịch, tức là từ ngày Lập Hạ đến ngày Lập Thu. Thời gian này bao gồm 6 tiết khí là Lập Hạ, Tiểu Mãn, Mang Chủng, Hạ Chí, Tiểu Thử và Đại Thử. Đặc điểm tiết mùa hạ là khí dương hạ xuống, địa nhiệt bốc lên, khí trời đất trên dưới giao hòa, vạn vật ra hoa kết trái.
Mùa hạ là mùa có khí dương mạnh nhất, khí hậu nóng bức mà sinh cơ thịnh vượng. Đối với con người, đây cũng là quãng thời gian sự thay cũ đổi mới diễn ra mạnh mẽ, khí dương phát ra ngoài, khí âm phục bên trong, khí huyết lưu thông mạnh lộ rõ ra ngoài. Nguyên tắc cơ bản bảo vệ sức khỏe mùa hạ là phòng thử tà và thấp tà, chú ý bảo vệ khí dương của cơ thể, đề phòng việc vì tránh nóng bức mà tham mát mẻ, làm tổn hại khí dương cơ thể. Mùa hạ nóng nực làm mồ hôi toát ra, dẫn đến tâm khí dễ hao tổn, cơ thể thấy bứt rứt, tức ngực, khó chịu, phiền muộn, dễ mắc mệnh tâm thần. Điều này đặc biệt liên quan đến tim mạch vì tim chủ thần minh, thân chí. Đồng thời, mùa hạ phải đặc biệt chú ý sinh hoạt, ăn uống, vận động, phòng bệnh và chữa bệnh để tránh cảm mạo, chán ăn, say nóng, rôm sảy, viêm da, tiêu chảy…